No. 0703 ( TK Giác Nguyên dịch)
TRƯỞNG LÃO WALPOLA RAHULA
www.luylau.com
Ngài sinh ngày 09 tháng 05 năm 1907 tại làng Walpola, tỉnh Galle ( Tích Lan). Ngài ở chùa từ bé và bên cạnh những bài học giáo lý do chư tăng hướng dẫn, ngài đã tự học Tú Tài để sau đó thi vào Ceylon University College (1936). Ngài Rahula thọ giới Sa Di năm mười bốn tuổi và theo truyền thống giáo dục của Phật giáo Tích Lan, ngài được hướng dẫn các môn văn chương Sinhala, Pali, Sanskrit, Phật học, Phật Giáo Sử.
Năm 1936, ngài W. Rahula vào học ở Ceylon University College rồi sau đó là University Of London. Có thể nói khả năng tiếng Anh của ngài Rahula sau này là nhờ vào sự chỉ dẫn đặc biệt của giáo sư C. Ludowyk chuyên dạy Văn Chương Anh ngữ tại trường University College và giáo sư S. Thangarajah dạy Toán cùng Khoa học ở trường St. Josephs College cũng dành cho ngài nhiều sự quan tâm.
Ngay trong thập niên 1930-1940, ngài Rahula đã là một pháp sư nổi tiếng và cũng là một cây bút có tài viết chuyên đề tôn giáo. Không ít người ở Tích Lan giai đoạn này đã thay đổi cách nhìn về đạo Phật nhờ đọc ngài. Từ những năm ba mươi tuổi ngài Rahula đã bắt đầu quan tâm đến những vấn đề xã hội và được xem là một người yêu nước nồng nàn qua những hoạt động trong quần chúng , kể cả các tù nhân.
Trong tình cảm của giới tăng sĩ trẻ tuổi cùng các thanh niên trí thức nhiều nhiệt huyết của Tích Lan đương thời, ngài Rahula là một tác giả đã nuôi dưỡng tráng chí của họ sau khi ngài xuất bản hai cuốn sách Bhiksuvage Urumaya ( Tăng Sĩ Dấn Thân) và The Heritage Of The Bhikkhu ( Tăng Sĩ Có Gì ). Cuốn này về sau đã được nhà Grove Press, Inc. New York tái bản năm 1974. Năm 1947, ngài W. Rahula đi tham dự Hội Nghị Liên Minh Á Châu ( Inter Asia Relations Conference) tại New Delhi ( Ấn Ðộ ) và trong dịp này ngài đã có cơ hội tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ lúc đó là tổng thống Rajendra Prasad, phó tổng thống Sarvepalli Radhakrishnan, thủ tướng Jawaharlal Nehru cùng các nhân vật lừng danh J. Prakash Narayan, Acharya Narendradeva, bác sĩ Ambedkar
Ngài W. Rahula đã nhận văn bằng B.A ngành ngôn ngữ Ấn Âu năm 1941 tại đại học University Of London và sau đó được học bổng của chính phủ Tích Lan để sang học tại University Of Calcutta ( Ấn Ðộ ). Tại Ấn Ðộ lần này, ngài Rahula lại có dịp làm việc với hai học giả nổi tiếng thế giới là S. N. Das Gupta và B. M. Barua.
Rồi vì biến cố quân Nhật xâm lược Miến Ðiện thời Thế Chiến II, trường đại học Calcutta bị ảnh hưởng nặng về nhân sự nên phải đình chỉ hoạt động và ngài Rahula trở về Colombo. Tại đây, ngài đã nhờ sự giúp đỡ của giáo sư G. P. Malalasekera hoàn tất luận văn tiến sĩ ( Ph. D) tại University Of Ceylon với đề tài Lịch Sử Phật Giáo Tích Lan.
Sau đó, ngài trở thành giáo sư tại trường Vidyalankara Parivena, một trong hai Phật Học Viện hàng đầu của Tích Lan và theo thời gian, giữ luôn chức vụ Tổng Thư ký của trường. Năm 1950, nhân một chương trình nghiên cứu cấp tiến sĩ của chánh phủ Pháp do giáo sư Paul Demieville chủ xướng, ngài Rahula đã sang đại học Sorbonne tham dự lớp nghiên cứu Phật Giáo Bắc Truyền với chủ hướng đặc biệt là về ngài Vô Trước ( Asanga), sư huynh ngài Thế Thân ( Vasubandhu).
Tại Sorbonne, ngài Rahula lại có cơ may học hỏi với các giáo sư Paul Demieville, Louis Renou, Olivier Lacomb, Jean Filliozat, Marcelle Lalou, Andre Bareau. Chính giáo sư Paul Demieville đã giới thiệu ngài W. Rahula với giáo sư Etienne Lamotte, một học giả Phật học nổi tiếng ở Bỉ và hai người sau đó đã trở thành bạn thân. Cũng tại Sorbonne, ngài Rahula có dịp quen biết nhiều học giả thời danh của thế giới về Phật học, trong số đó có cả bà tiến sĩ I. B. Horner, chủ tịch hội Pali Text Society ở London và rất được bà quí mến.
Trong thời gian sống tại Paris, ngài Walpola Rahula đã phiên dịch tác phẩm Abhidharmasamuccaya của ngài Vô Trước từ nguyên tác Sanskrit ( viết thế kỷ thứ tư Tây lịch ) sang Pháp văn. Ðây là bản dịch đầu tiên của tác phẩm quan trọng này ở một ngôn ngữ Tây Phương và giáo sư J. W. Jong đã viết rằng chỉ riêng phần Phụ Lục Từ Vựng mà ngài Rahula đặt ở cuối bản dịch cũng xứng đáng được xem là nền tảng quan trọng cho bất kỳ công trình từ điển Phật học nào bằng tiếng Pháp.
Năm 1958 ngài Rahula đã là thành viên đại diện Tích Lan trong một cuộc họp của Ủy Ban Bảo Vệ Di Sản Văn Hóa Thế Giới (UNESCO). Và trong dịp này ngài đã gặp gỡ và làm việc với các nhân vật Cơ Ðốc Giáo nổi tiếng như Angelo Roncalli, Papal Nuncio ở Paris và sau đó là hội kiến giáo hoàng John XXIII. Họ quý mến nhau như những bè bạn chân thành. Trong một lần gặp mặt ở toà Ðại Sứ Vatican tại Paris, Nuncio đã ôm chầm lấy ngài Rahula và giới thiệu với mọi người rằng ngài là một vị Ðại Sứ Hoàn Vũ hoạt động không biên giới .
Giữa thập niên 1950, ngài Walpola Rahula đã viết một cuốn tiểu luận chuyên khảo về Phật giáo nguyên thủy nhan đề What The Buddha Taught (Lời Phật Dạy), ấn hành lần đầu tiên tại London năm 1959. Tiếng tăm của tác phẩm này sau đó đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong giới học Phật toàn cầu như là một tài liệu nghiên cứu uy tín để tìm hiểu đạo Phật. Năm 1966 cuốn sách này đã được cô Trí Hải dịch sang tiếng Việt với nhan đề là Ðạo Phật- Con Ðường Thoát Khổ.
Ngày nay, nhắc đến những người tiên phong truyền bá Phật Giáo ở Tây Phương thì không ai quên nhắc đến ngài Rahula và nhắc đến ngài thì thì người ta lại nói tới cuốn What The Buddha Taught. Ngài W.Rahula là một học giả uy tín trên toàn cầu. Ngoài Phật học, ngài còn thông thạo nhiều ngôn ngữ Tây Phương và Ðông Phương (đặc biệt bốn thứ tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng và Pháp văn).
Ðại sứ Pháp tại Tích Lan, bà Elizabeth Dahan, đã gọi tiếng Pháp của ngài Rahula là thứ tiếng Pháp hoàn chỉnh khó tìm thấy ở một người ngoại quốc. Ban biên soạn bộ Bách Khoa Encyclopedia Britanica đã mời ngài chuyên trách mục từ Buddhism trong bộ tự điển, một vinh dự dỉ nhiên chỉ dành cho một người có sở học trời biển cùng một nhân cách khả tín.
Trước năm 1975 ngài Rahula đã từng tháp tùng ngài Narada sang thăm Việt Nam đôi lần. Sau khi tốt nghiệp học vị tiến sĩ tại đại học Sorbonne về Phật giáo Bắc Truyền qua Phạn Ngữ, ngài W.Rahula đã kiêm nhiệm cùng lúc chức vụ viện trưởng, hiệu trưởng nhiều học viện ở Tích Lan, quan trọng nhất là trường University Of Pali and Buddhist Studies. Ðồng thời ngài cũng là một trụ cột trên chính trường Tích Lan quốc nội cũng như hải ngoại. Ngài Walpola Rahula đã qua đời năm 1994 ở tuổi tám mươi bảy.